Những kỳ quan thiên nhiên đẹp và lạ nhất thế giới
Lonely Planet đã chọn ra danh sách 50 kỳ quan thiên nhiên tuyệt vời nhất thế giới, từ suối nước nóng triệu năm tuổi, đến sa mạc trắng hay cầu rễ cây.
Suối nước nóng Grand Prismatic ở công viên quốc gia Yellowstone của Mỹ rộng hơn 110 m và sâu hơn 40 m. Trung tâm suối quá nóng, không có sinh vật nào sống được, nên có màu xanh trong. Tuy nhiên, nước ở rìa ngoài bớt nóng hơn, tạo điều kiện cho nhiều loài vi khuẩn phát triển, hình thành màu sắc rực rỡ.
Sa mạc trắng ở Ai Cập là kết quả của hàng trăm năm xói mòn, kết hợp với những cơn bão cát trắng dữ dội. Các khối đá canxi có hình dạng lạ lùng khiến nơi đây giống như một hành tinh khác.
Hố gas Darvaza (Turkmenistan) còn được gọi là “Cổng địa ngục” với những đám lửa cháy suốt ngày đêm. Khung cảnh huyền bí giữa sa mạc mênh mông càng khiến cho nơi này trở nên ấn tượng, đặc biệt là vào buổi đêm hay bình minh.
Công viên quốc gia hồ Plitvice Lakes là khu bảo tồn rộng 295 km2 ở trung tâm Croatia. Du khách có thể khám phá 16 hồ nước nối liền bởi các thác nước và hẻm núi đá vôi ấn tượng
Giant's Causeway (Đường của người khổng lồ) ở Antrim (Bắc Ireland) khiến du khách choáng ngợp trước những cột đá basalt trùng điệp. Chúng là kết quả của một vụ phun trào núi lửa cổ xưa.
Cầu Living ở Cherrapunji (Meghalaya, Ấn Độ) được người Khasi và Jaintia dùng rễ cây đan thành. Cây cầu vẫn tiếp tục phát triển và lớn lên theo thời gian
Công viên quốc gia Yosemite có đủ địa hình cho du khách khám phá, từ những hang động khổng lồ, vách đá granite dựng đứng, tới hồ nước cạnh núi và sông băng hùng vĩ
Perito Moreno là một trong số 3 sông băng trên thế giới lớn lên hàng năm thay vì tan đi. Khối băng khổng lồ ở Argentina này di chuyển được gần 2 m mỗi ngày
Salar de Uyuni là đồng bằng muối lớn nhất thế giới, nằm ở Bolivia. Các nhiếp ảnh gia đổ về đây để ghi lại hình ảnh độc đáo của khung cảnh siêu thực này, nhất là khi những cơn mưa biến đồng bằng thành một tấm gương phản chiếu khổng lồ.
Santorini nằm trong quần đảo Cyclades của Hy Lạp ở biển Aegea. Vụ phun trào núi lửa vào thế kỷ 16 trước Công nguyên đã tạo nên địa hình hiểm trở ở nơi đây.